Trong cuộc sống hàng ngày, việc quan tâm đến nước sạch và công tác vệ sinh môi trường để phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, các bệnh về da là một yếu tố rất quan trọng bởi vệ sinh môi trường gắn liền với cuộc sống con người. Con người sẽ không có sức khỏe và hạnh phúc nếu thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh môi trường không tốt. Phải sử dụng nước sạch để phòng được các bệnh như: Tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, viêm gan, các bệnh về mắt các bệnh về da, bệnh phụ khoa. Vì vậy để đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường mọi người, học sinh chúng ta cần hiểu những thông tin sau:
I. Đối với nước sạch:
- Nước sạch phải là nước trong, không màu, không mùi, không vị lạ, không gây khó chịu cho người sử dụng, không chứa các mầm bệnh, không chứa các chất độc hại.
- Nước sạch có nhiều nguồn cung cấp khác như nước mưa, nước giếng khoan, nước máng lần, nước giếng và hệ thống cung cấp nước tập trung.
- Mỗi gia đình cần có ít nhất một trong các nguồn nước sạch nếu chưa có thì cần hỏi ý kiến tư vấn của Y tế địa phương để xây dựng cho mình một nguồn nước sạch thích hợp. Nước được lấy từ bất cứ nguồn nào cho dù đã xử lý thì trước khi uống cũng phải đun sôi, tuyệt đối không uống nước lã.
- Nước sạch là tài nguyên quý giá nhưng không phải là vô tận vì vậy mọi người phải có ý thức khai thác bảo vệ và tiết kiệm nguồn nước sạch.
II. Đối với vệ sinh môi trường:
- Phải giữ gìn sạch sẽ nguồn nước và khu vực xung quanh, không đổ rác và xây nhà vệ sinh gần nguồn nước, phải thu gom rác phân gia súc để ủ chôn hoặc đốt.
- Phân loại và thu gom rác thải vô cơ vào nơi quy định hoặc bán phế liệu để tái chế xử lý. Vỏ hộp và chai lọ để hóa chất bảo vệ thực vật phải chôn đúng nơi quy định. Thu gom và xử lý rác hữu cơ bằng cách quét dọn nhà cửa hàng ngày, lá cây, rơm rạ, giấy loại phải đổ vào hố rác của gia đình rồi đốt hoặc chôn. Khi có động vật chết phải chôn sâu bằng vôi bột.
- Nước thải của nhà máy, khu công nghiệp phải được sử lý trước khi đưa ra nguồn nước thải tập trung.
Vì một thế giới tươi đẹp, vì sức khỏe bản thân và để phòng tránh các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh môi trường, mỗi học sinh chúng ta cần phát huy và thực hiện tốt sáu nguyên tắc vệ sinh sau đây:
1/ ĂN CHÍN UỐNG SÔI
- Nước lã chứa nhiều mầm bệnh. Ngay cả nguồn nước máy sau khi chảy qua hệ thống đường ống cũ, qua các dụng cụ đựng nước không hợp vệ sinh vẫn có thể bị nhiễm bẩn. Đun sôi nước hoặc hoặc cho nước chảy qua các thiết bị diệt khuẩn có thể diệt được mầm bệnh.
- Thức ăn sống, đặc biệt là các loại thịt có thể chứa nhiều mầm bệnh.
- Mầm bệnh sinh sản nhanh ở thức ăn ấm hoặc thức ăn để lâu ở nhiệt độ bình thường.
- Dụng cụ nấu bếp như dao, thớt, bát đĩa, khăn lau... nếu không vệ sinh cũng là môi trường thuận tiện cho mầm bệnh phát triển.
- Rau quả nếu không được ngâm và rửa kỹ cũng chứa nhiều mầm bệnh và độc tố.
- Sữa mẹ chứa nhiều chất dinh dưỡng, chất kháng sinh và những chất cần thiết khác giúp trẻ phòng chống bệnh tật.
Những điều cần làm:
- Uống nước đã đun sôi hoặc nước đã được làm sạch và khử trùng bằng các thiết bị diệt khuẩn.
- Thức ăn cần được nấu chín. Ăn sau khi nấu , không được ăn thức ăn ôi thiu.
- Hâm kỹ thức ăn khi dùng lần sau.
- Bảo quản thức ăn, tránh ruồi nhặng.
- Dụng cụ nấu bếp, khăn lau cần được giặt rửa sạch sẽ, để nơi khô thoáng.
- Ngâm và rửa rau quả bằng nước sạch trước khi ăn và trước khi nấu nướng.
- Nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 4 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú tới 18 tháng hay hơn nữa.
2/ RỬA TAY BẰNG XÀ PHÒNG VÀ NƯỚC SẠCH
- Phân người và phân súc vật chứa rất nhiều mầm bệnh. Do đó tay có thể bị nhiễm bẩn và mang mầm bệnh sau khi đi vệ sinh.
- Khi chuẩn bị thức ăn, khi ăn hoặc khi trẻ em mút tay, mầm bệnh sẽ truyền từ bàn tay bẩn qua miệng rồi vào cơ thể.
Những điều cần làm:
- Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi chuẩn bị thức ăn, trước khi ăn.
- Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi đi vệ sinh, lau chùi cho trẻ em và sau khi làm những công việc có tiếp xúc với phân.
- Thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng và nước sạch.
- Đặt dụng cụ rửa tay và xà phòng nơi thường chuẩn bị bữa ăn.
- Gần nhà vệ sinh nên có nước và xà phòng để rửa tay.
- Cắt và giữ móng tay sạch sẽ.
3/ TẮM RỬA THƯỜNG XUYÊN
- Cơ thể và mặt mũi dơ bẩn là môi trường thuận lợi cho mầm bệnh phát triển.
- Ruồi và bàn tay là nguồn lan truyền các mầm bệnh này.
- Quần áo dơ bẩn và ẩm ướt tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.
- Bệnh mắt đỏ và bệnh mắt hột có thể lây từ người này sang người khác nếu dùng chung khăn mặt.
- Giun móc sống trong đất có thể xuyên qua da.
Những điều cần làm:
- Tắm rửa thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch.
- Rửa mặt hàng ngày.
- Giặt quần áo và khăn mặt thường xuyên bằng xà phòng và phơi khô ngoài nắng.
- Không dùng chung khăn mặt.
- Không để trẻ bò lê dưới đất.
- Không đi chân đất.
4/ SỬ DỤNG VÀ BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC SẠCH
- Nước ô nhiễm là nguồn lây truyền các loại bệnh như: tả, lỵ, thương hàn…
- Tất cả các nguồn nước tự nhiên (nước giếng, nước mưa, nước ao hồ…) đều có chứa mầm bệnh do những nguồn nước này bị ô nhiễm dưới nhiều hình thức khác nhau.
- Giếng gần hố xí, chuồng gia súc, gia súc thả rông xung quanh sẽ bị ô nhiễm.
- Các nguồn nước khác cũng sẽ bị ô nhiễm nếu: Ở gần hoặc thông với hệ thống mương rãnh thoát nước thải, nước từ hố xí…, Vứt rác, xác gia súc bừa bãi xung quanh.
- Giếng nước, bể chứa nước mưa hoặc dụng cụ chứa nước không có nắp đậy rất dễ bị nhiễm bẩn từ lá cây, rác, bụi…
- Những điều cần làm:
- Sử dụng nguồn nước sạch sẵn có cho việc nấu nướng và ăn uống.
- Sử dụng và bảo vệ nguồn nước máy.
- Giếng nên có thành và nắp đậy, cách xa hố xí từ 8 đến 10 m.
- Bảo vệ nguồn nước: nước giếng, nước suối, nước hồ tránh xa nguồn phân, nước thải và rác thải.
- Không thả rông gia súc.
- Không sử dụng nước mưa của cơn mưa đầu tiên do nước có thể bị nhiễm bẩn từ mái nhà và máng thu nước.
- Dụng cụ chứa nước phải có nắp đậy kín, sạch và được chùi rửa thường xuyên.
- Dụng cụ múc nước cần được bảo quản sạch sẽ, cọ rửa thường xuyên và treo lên cao.
- Không thọc tay vào nước sạch và các dụng cụ múc nước, chứa nước.
5/ SỬ DỤNG HỐ XÍ HỢP VỆ SINH
- Phân người chứa nhiều mầm bệnh
- Mầm bệnh trong phân người là nguyên nhân của rất nhiều loại bệnh, đặc biệt là bệnh tiêu chảy.
- Phân người không xử lý đúng cách sẽ gây ô nhiễm đất, nguồn nước và thức ăn.
- Nguồn phân không được đậy kín sẽ gây mùi hôi thối và thu hút nhiều ruồi. Ruồi là nguyên nhân lây truyền mầm bệnh từ phân qua thức ăn.
- Để phòng tránh sự lây lan bệnh tật, việc quan trọng nhất là xử lý phân gia đình một cách an toàn.
Những điều cần làm:
- Mọi người trong gia đình đều nên đi vệ sinh trong hố xí (trừ trẻ em quá nhỏ tuổi).
- Thu gom và đổ phân trẻ em vào hố xí.
- Hố xí có thể được xây bằng vật liệu đơn giản , nhưng cần phải có sàn và nắp đậy kín.
- Giữ vệ sinh hố xí sạch sẽ.
- Không dùng phân người để bón cây trồng.
6/ THU GOM VÀ XỬ LÝ RÁC THẢI HỢP VỆ SINH VÀ ĐÚNG NƠI QUY ĐỊNH.
- Ruồi nhặng và chuột thường sinh sống tại những đống rác thải, đặc biệt là những nơi có thức ăn thừa, rau và xác súc vật.
- Ruồi nhặng và chuột là nguồn lây truyền bệnh.
- Vứt rác thải và xác súc vật xuống ao, suối, hồ gây ô nhiễm nguồn nước..
Những điều cần làm:
- Thu gom và đổ rác thải vào thùng rác hoặc hố rác.
- Đổ rác vào xe nếu ở khu vực có xe rác công cộng.
- Nếu ở khu vực không có xe rác, nên đổ rác vào hố có nắp đậy rồi đốt hoặc chôn.
- Xác súc vật nên được chôn sâu và chôn xa nguồn nước, xa nhà.
- Diệt chuột, ruồi, nhặng xung quanh nơi ở.
HƯỚNG DẪN 01
Hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt
Lạc Thủy là một huyện thuộc phía tây miền núi trung du Bắc bộ khí hậu khắc nghiệt; Lạc Thủy là một trong những huyện mà hàng năm phải chịu ảnh hưởng nhiều nguồn nước trên cao đổ về dòng sông Bôi ảnh hưởng thiên tai và bão lụt, ngoài thiệt hại về con người, của cải thì một trong những hậu quả mà bão lụt quét để lại đó là dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, một phần thiếu nguồn nước sinh hoạt.
Căn cứ vào tình hình thực tế trên địa hình huyện Lạc thủy, qua thông tin dự báo khí tượng thủy văn về khí hậu diễn biến rất phức tạp nắng nóng, mưa to, giông, bão, lốc xoáy, làm ảnh hưởng đến môi trường trong huyện cũng như nền kinh tế, đặc biệt những xã ở bên dòng sông Bôi như xã Khoan Dụ, xã Yên Bồng, xã Cố Nghĩa, Hưng Thi…vv mưa nhiều ảnh hưởng đến nguồn nước ăn uống sinh hoạt của người dân trong huyện từ đó rễ sảy ra bệnh dịch như bệnh tiêu chảy, tả, lỵ… và một số bệnh dịch khác.
Để chủ động khắc phục hậu quả bão lụt, phòng, chống các dịch bệnh do lũ lụt gây ra, Trung tâm Y tế huyện hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão để các ban ngành, hộ gia đình thực hiện:
1. Trước khi bão lụt:
Dùng ni lông dày, không thủng phủ kín miệng giếng, (đối với giếng đào) vòi giếng (đối với giếng khoan) và buộc chặt bằng dây cao su.
2. Xử lý nước sinh hoạt trong khi lũ:
Trong mùa lũ lụt, trường hợp giếng bị ngập không có nước dự trữ thì phải lấy nước ngập lụt xử lý để sử dụng sinh hoạt theo 2 bước sau:
Bước 1: Làm trong nước
Đựng nước vào xô, thùng dùng phèn chua với liều lượng 1g phèn chua (1 mẫu bằng đầu ngón tay) cho 20 lít nước: hòa tan phèn, khuấy đều vào nước, chờ nước trong gạn lấy phần nước sạch để sử dụng. Nếu không có phèn chua thì dùng vải sạch để lọc nước, giữ lại các cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi được nước trong.
Bước 2: Khử trùng nước
Dùng 1 viên Cloramin B loại 250mg cho vào 25 lít nước. Khuấy đều cho tan hết lượng hoá chất, sau 30 phút mới sử dụng.
3. Xử lý nước và vệ sinh môi trường sau bão lụt:
a. Xử lý giếng khơi theo 3 bước:
- Thau rửa giếng làm trong giếng khử trùng
* Bước 1 : Thau rửa giếng :
Làm vệ sinh thành và nền giếng, khơi thông nước ngập lụt quanh giếng, phải thau vét giếng, lấy hết bùn, rửa thành giếng.
* Bước 2: Làm trong nước:
- Ước lượng nước trong giếng khoảng bao nhiêu m3 (1 bi tương đương hạt ngô to/ 1 m3 )
- Dùng phèn chua liều lượng 50gam/1m3 nước, nếu độ đục nhiều thì tăng lượng phèn chua nhưng tối đa 100gam/1m3.
- Tán nhỏ, hoà tan hết phèn chua trong chậu.
- Cho nước phèn chua vào gàu múc nước thả mạnh xuống giếng rồi kéo gàu lên xuống khoảng 10 lần, đợi 30 phút sau mới khử trùng nước.
* Bước 3: Khử trùng nước giếng:
Dùng CloraminB với liều lượng 10g/1m3 nước (tương đương 1 thìa canh). Hòa CloraminB vào một thùng nước nước tưới đều lên giếng, thả chìm gàu xuống giếng kéo lên 10 lần, sau đó chờ 30 phút đến 1 giờ là có thể dùng được.
Lưu ý:
- Không tiến hành khử trùng đồng thời với đánh phèn.
- Sau khi khử trùng nếu ngửi có mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng.
- Nước sau khi đã làm trong, khử trùng vẫn phải đun sôi mới uống được.
Xử lý môi trường:
- Nước rút đến đâu huy động cộng đồng làm vệ sinh môi trường đến đó. Vì nếu không làm kịp thời thì sẽ khó đẩy được phù sa ra khỏi nhà, sân và đường đi.
- Khi nước rút hết môi trường bị ô nhiễm nặng, có mùi tanh thối do xác súc vật, côn trùng, cây cối chết thối rữa... Do đó, cần phải khơi thông cống rãnh, lấp vũng nước đọng, chôn lấp xác súc vật và tẩy uế.
Về xử lý xác súc vật chết:
- Khảo sát, ước lượng xác súc vật chết cần xử lý.
- Chọn vị trí chôn xác súc vật ở ngoài đồng cách xa nguồn nước ít nhất 50m. - Đào hố chôn xác súc vật ở độ sâu ít nhất phải trên 0,8m, đổ 3-5 kg vôi bột hoặc phun Chloramine B nồng độ cao rồi lấp đất lèn chặt, rào kỹ lại tránh súc vật đào bới.
- Khử trùng nơi có xác súc vật chết: Sau khi chuyển xác súc vật đi chôn phải phun thuốc khử trùng hoặc rải vôi bột nơi có xác súc vật chết. Nếu không có vôi, hoá chất khử trùng thì dùng rác khô đốt nơi súc vật chết. Hằng ngày phải kiểm tra nơi chôn xác súc vật xem có bị súc vật hoặc chuột bọ đào bới hay không. Nếu phát hiện có mùi hôi thối hoặc bị đào bới thì phải lấp lại ngay.
Dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, phơi khô quần áo , không treo, mắc quần áo ẩm ướt vào một chỗ dễ làm nơi trú ẩn cho muỗi.
c. Phòng một số bệnh sau bão lụt
Sau bão lụt thường phát sinh một số dịch bệnh như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, sốt xuất huyết, sốt rét, đau mắt đỏ, bệnh ngoài da, cảm cúm,.. để phòng bệnh bằng cách như sau :
- Ăn chín, uống sôi.
- Nằm ngủ phải mắc màn.
- Loại bỏ những vũng nước tù đọng vì đây là nơi trú ẩn, sinh hoạt và truyền bệnh của muỗi.
- Tích cực diệt ruồi, muỗi, vệ sinh làng xóm, khơi thông cống rãnh...
- Không tắm, gội và giặt quần áo bằng nước bẩn.
- Không mặc quần áo ướt.
- Hạn chế lội vào chỗ nước bẩn. Nếu phải lội vào nước bẩn thì sau đó phải rửa ngay bằng nước sạch và lau khô, bôi thuốc sát trùng phòng nước ăn chân, tay.
Trên đây là các biện pháp xử lý nước và VSMT trước, trong và sau bão lụt, mọi người cần chú ý thực hiện để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
HƯỚNG DẪN 02
Hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt
Bão lụt ảnh hưởng rất xấu đến sức khoẻ con người và môi trường sống. Sau bão lụt, thường xảy ra nhiều loại dịch bệnh như tả, lỵ, thương hàn... mà nguyên nhân chính là do môi trường và nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Nếu không có biện pháp xử lý tốt thì có thể bùng phát những vụ dịch lớn.
Để chủ động phòng chống các dịch bệnh do lũ lụt gây ra, Chuyên mục “Sức khỏe cho mọi người” đề nghị các gia đình hãy thực hiện những biện pháp theo những khuyến cáo sau đây của Trung tâm Y tế huyện.
A/ Xử lý nước và vệ sinh môi trường trước khi bão lụt:
1. Đối với nguồn nước:
- Giếng đào: Dùng ni lông dày, không thủng phủ kín miệng giếng và buộc chặt bằng dây cao su.
- Giếng khoan: Dùng ni lông dày, không thủng bịt kín vòi và cần giếng khoan bằng dây cao su.
2. Đối với nhà vệ sinh:
- Nhà tiêu 2 ngăn: Lấy hết phân, đào hố sâu cách xa nguồn nước uống ít nhất 10m, ủ với vôi bột hoặc tro bếp sau đó lấp đất kỹ, trong hố tiêu cho vôi bột hoặc tro bếp vào trước khi đậy nắp.
- Nhà tiêu tự hoại hoặc thấm dội nước: Chuẩn bị nút đậy chặt lỗ hố tiêu.
- Nhà tiêu Chìm có ống thông hơi: Cho vôi bột hoặc tro bếp phủ kín lên bề mặt phân rồi lấp đất kín lại.
3. Chuồng gia súc:
Thu gom phân cho vào hố cách xa nguồn nước sinh hoạt ít nhất 10m, sau đó rãi vôi bột hoặc tro bếp phủ toàn bộ bề mặt rồi lấp đất kỹ.
B/ Xử lý nước sinh hoạt trong mùa lũ:
Trong mùa lũ lụt, trường hợp giếng bị ngập không có nước dự trữ thì phải lấy nước ngập lụt xử lý để sử dụng sinh hoạt theo 2 bước sau:
Bước 1: Làm trong nước.
Dùng 1 gam phèn chua (tương đương một hạt ngô to) cho vào 20 lít nước, đánh tan phèn chờ 30 phút nước lắng cặn đến trong, nếu không có phèn chua thì dùng vải sạch để lọc.
Bước 2: Khử trùng nước.
Đã làm trong bằng hoá chất Chloramine: dùng 1 viên Chloramine T hoặc B loại 250mg cho vào 25 lít nước. Khuấy đều cho tan hết lượng hoá chất, sau 30 phút mới sử dụng.
* Trong trường hợp khẩn cấp không có phèn chua làm trong nước thì tăng hàm lượng Chloramine B:
- Nếu nước đục vừa: 15 - 20 mg Chloramine B hoà tan trong 1lít nước hay 15-20gam Chloramine B (tương đương khoảng 1,5 - 2 thìa cà phê) hoà tan trong 1m3 nước.
- Nếu nước đục nhiều: 20 - 50 mg Chloramine B hoà tan trong 1lít nước hay 20-50 gam Chloramine B (tương đương khoảng 2 - 5 thìa cà phê hoà tan trong 1m3 nước.
Lưu ý: Không tiến hành đồng thời vừa làm trong nước vừa khử trùng bằng hoá chất.
C/ Xử lý nước và vệ sinh môi trường sau bão lụt:
1. Xử lý môi trường:
- Nước rút đến đâu huy động cộng đồng làm vệ sinh môi trường đến đó. Vì nếu không làm kịp thời thì sẽ khó đẩy được phù sa ra khỏi nhà, sân và đường đi.
- Khi nước rút hết môi trường bị ô nhiễm nặng, có mùi tanh thối do xác súc vật, côn trùng, cây cối chết thối rữa... Do đó, cần phải khơi thông cống rãnh, lấp vũng nước đọng, chôn lấp xác súc vật và tẩy uế.
Về xử lý xác súc vật chết:
- Khảo sát, ước lượng xác súc vật chết cần xử lý.
- Chọn vị trí chôn xác súc vật ở ngoài đồng cách xa nguồn nước ít nhất 50m. - Đào hố chôn xác súc vật ở độ sâu ít nhất phải trên 0,8m, đổ 3-5 kg vôi bột hoặc phun Chloramine B nồng độ cao rồi lấp đất lèn chặt, rào kỹ lại tránh súc vật đào bới.
- Khử trùng nơi có xác súc vật chết: Sau khi chuyển xác súc vật đi chôn phải phun thuốc khử trùng hoặc rải vôi bột nơi có xác súc vật chết. Nếu không có vôi, hoá chất khử trùng thì dùng rác khô đốt nơi súc vật chết. Hằng ngày phải kiểm tra nơi chôn xác súc vật xem có bị súc vật hoặc chuột bọ đào bới hay không. Nếu phát hiện có mùi hôi thối hoặc bị đào bới thì phải lấp lại ngay.
Dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, phơi khô quần áo, không treo, mắc quần áo ẩm ướt vào một chỗ dễ làm nơi trú ẩn cho muỗi.
2. Xử lý nước sinh hoạt:
Gồm 4 bước:
Làm trong nước bằng phèn chua ----------------> Khử trùng nước bằng Chloramine ----------------> Đun sôi ----------------> Uống
a. Đối với Giếng khơi: Tiến hành theo 3 bước.
* Bước 1: Thau rửa giếng:
- Làm vệ sinh thành và nền giếng, khơi thông nước ngập lụt quanh giếng.
- Trước khi làm trong và khử trùng nước, phải thau vét giếng, lấy hết bùn, rửa thành giếng.
* Bước 2: Biện pháp làm trong nước:
- Dùng phèn chua liều lượng 50gam/1m3 nước, (1 gam phèn chua tương đương một hạt ngô to) nếu độ đục nhiều thì tăng lượng phèn chua nhưng tối đa 100gam/1m3.
- Tán nhỏ, hoà tan hết phèn chua trong chậu.
- Cho nước phèn chua vào gàu múc nước thả mạnh xuống giếng rồi kéo gàu lên xuống khoảng 10 lần, đợi 30 phút sau mới khử trùng nước.
* Bước 3: Biện pháp Khử trùng nước giếng:
- Ước lượng nước trong giếng khoảng bao nhiêu m3 (1 bi tương đương 1 m3 ) cứ 1 m3hoà tan 10 - 20gam Chloramine B tương đương 1 đến 2 thìa canh (tuỳ thuộc vào độ đục của nước).
- Múc một gàu nước.
- Hoà lượng hoá chất nói trên vào nước, phải khuấy đều cho tan hết hoá chất.
- Thả mạnh gàu xuống giếng, kéo gàu lên xuống khoảng 10 lần.
- Sau 30 phút múc nước lên ngửi có mùi Clo là dùng được. Nếu không ngửi thấy mùi Clo trong nước thì cho thêm khoảng 1/3 thìa canh bột Chloramine B quấy đều rồi cho vào giếng đến khi nào nước có mùi Chlo mới đảm bảo.
- Dùng nước giếng này tưới lên thành giếng để khử trùng.
- Sau 30 phút mới sử dụng nước (phải đảm bảo lượng Clo dư (0,3 - 0,5mg/lít)).
(Nếu lỡ cho quá nhiều choloramine B thì đợi đến khi nào bay hết mùi chlo mới sử dụng)
Lưu ý:
- Không tiến hành khử trùng đồng thời với đánh phèn.
- Sau khi khử trùng nếu ngửi có mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng.
- Nước sau khi đã làm trong, khử trùng vẫn phải đun sôi mới uống được.
b. Đối với Giếng khoan:
- Tháo dây cao su và ni lông bịt miệng giếng khoan.
- Cọ rửa vòi, cần và nền giếng khoan.
- Khơi thông cống rãnh quanh giếng.
- Bơm hết nước đục, sau đó bơm liên tiếp 15 phút nữa bỏ nước đi sau đó mới sử dụng.
3. Đề phòng một số bệnh sau bão lụt.
a. Phòng bệnh đau mắt đỏ:
- Không lau rửa hoặc tắm nước bẩn.
- Tra thuốc nhỏ mắt Cloramphenicol 0,4% cho tất cả những người có nguy cơ tiếp xúc với nước bẩn.
- Không dùng chung chậu, khăn mặt.
b. Phòng bệnh ngoài da:
- Không tắm, gội và giặt quần áo bằng nước bẩn.
- Không mặc quần áo ướt.
- Hạn chế lội vào chỗ nước bẩn. Nếu vì lý do nào đó phải lội vào nước bẩn thì sau đó phải rửa ngay bằng nước sạch và lau khô, đặc biệt là các kẻ ngón chân, tay sau đó bôi ngay thuốc đỏ hay thuốc sát trùng phòng nước ăn chân, tay.
c. Phòng các bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, SXH, sốt rét,... bằng cách:
- Ăn chín, uống sôi, không ăn rau sống, nếu ăn thì phải rửa bằng nước đã khử trùng.
- Nằm ngủ phải mắc màn.
- Loại bỏ những vũng nước tù động vì đây là nơi trú ẩn, sinh hoạt và truyền bệnh của muỗi.
- Tích cực diệt ruồi, muỗi, vệ sinh làng xóm, khơi thông cống rãnh...
Trên đây là các biện pháp xử lý nước và VSMT trước, trong và sau bão lụt, rất mong quý vị và các bạn chú ý thực hiện để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Phạm Đắc Thành