Đến dự khai mạc Hội nghị có TS.Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, cùng với sự tham gia của Lãnh đạo các Cục/Vụ/Văn phòng Bộ và các đơn vị thuộc/trực thuộc Bộ Y tế; đại diện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng và Lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật xây dựng, thiết bị của 09 Sở Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và các ban quản lý dự án ngành y tế…
Hội nghị nhằm tăng cường năng lực thực hiện công tác đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý tài sản trong quá trình sử dụng tại các cơ sở y tế giúp đơn vị nắm bắt được những vấn đề còn tồn tại, hạn chế tại cơ sở để có các biện pháp khắc phục, điều chỉnh; đồng thời, giúp lãnh đạo, cán bộ các đơn vị triển khai các quy định, quy trình đầu tư xây dựng, mua sắm và quản lý tài sản được đầu tư; tăng cường năng lực quản lý đầu tư xây dựng, cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng, góp phần giảm tình trạng quá tải khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trương Quốc Cường nhấn mạnh: “Ngành Y tế đang triển khai mạnh mẽ đổi mới hệ thống y tế, với dịch vụ y tế cung ứng theo hướng dễ tiếp cận về khoảng cách địa lý, về khả năng chi trả, về văn hóa giao tiếp, đồng thời đảm bảo chất lượng, công bằng, hiệu quả theo yêu cầu của xã hội. Cùng với các giải pháp về nhân lực, phương pháp quản lý, quản trị, đổi mới cơ chế tài chính, ứng dụng công nghệ thông tin, cung ứng dược phẩm, thì công tác đầu tư, quản lý cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế cũng đang được quan tâm, đẩy mạnh. Đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất là điều kiện để mở rộng, nâng cao kỹ thuật chuyên môn, tăng cường chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng sự mong đợi, sự hài lòng của người bệnh về dịch vụ y tế”.
Trong 03 ngày từ ngày 07 - 09/12/2018, Hội nghị tập trung vào các nội dung chính sau:
(1) Nâng cao năng lực quản lý đầu tư xây dựng và trang thiết bị y tế;
(2) Tập huấn phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng và trang thiết bị y tế;
(3) Đánh giá công tác đầu tư xây dựng của các đơn vị thuộc Bộ Y tế nửa đầu giai đoạn trung hạn 2016-2020 và các giải pháp tăng cường quản lý đầu tư xây dựng, hoàn thành kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020.
Toàn cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cũng đã chỉ đạo các đơn vị của Bộ Y tế chủ động phối hợp với các đơn vị sự nghiệp, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án để hoàn thành các dự án đúng tiến độ và đưa ra 9 giải pháp cụ thể để giải quyết những khó khăn, thách thức của công tác đầu tư xây dựng. Đó là:
- Đối với các dự án đã được phê duyệt, chủ đầu tư khẩn trương tiến hành tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, trình phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán để khởi công công trình; Tập trung các dự án đầu tư xây dựng nguồn vốn TPCP có quy mô xây dựng lớn. Lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình, hàng hóa, dịch vụ; Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, làm thủ tục thanh toán, không dồn vốn vào cuối năm mới thanh toán. Đối với các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, phải khẩn trương phê duyệt quyết toán, giải ngân hết số vốn cho các nhà thầu theo nội dung hợp đồng.
- Chủ động rà soát tình hình thực hiện, giải ngân của các dự án, dự đoán khả năng thanh toán, để xem xét điều chuyển vốn từ các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các dự án có tiến độ triển khai nhanh, khả năng giải ngân tốt để hoàn thành kế hoạch đầu tư chung của Bộ Y tế.
- Đối với các dự án xây dựng trên cơ sở mới, khu đất mới, chủ đầu tư phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng để triển khai, hoàn thành dứt điểm công tác đền bù đất đai.
- Nâng cao chất lượng thiết kế xây dựng công trình nói chung, và tập trung thiết kế khu khám bệnh khang trang hiện đại, đây là nơi tiếp đón, là bộ mặt bệnh viện, tạo ấn tượng đầu tiên với bệnh nhân.
- Tăng cường nguồn vốn đầu tư: trong khi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển vô cùng khó khăn, không đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển ngành y tế, các chủ đầu tư cần đề xuất huy động các nguồn vốn khác (Ngân hàng thương mại có chính sách ưu đãi cho ngành y tế, các Quỹ đầu tư phát triển của các địa phương, vốn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, liên doanh liên kết, hợp tác quốc tế ...). Triển khai các mô hình đầu tư, thu hút các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, như hình thức đầu tư kết hợp giữa đơn vị công và tư nhân - hình thức PP.
- Tiếp tục triển khai rà soát hệ thống pháp luật về đầu tư công, về đầu tư xây dựng; Đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong triển khai; đề xuất các giải pháp khắc phục, kiến nghị các Bộ chuyên ngành tổng hợp báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét bổ sung, sửa đổi.
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát đầu tư đối với các dự án đầu tư. Kết quả của công tác kiểm tra, thanh tra và giám sát được đánh giá, kết luận và đề xuất các biện pháp xử lý, thời gian xử lý và kết quả xử lý.
- Hoàn thiện tổ chức, nâng cao năng lực của Ban QLDA chuyên ngành xây dựng công trình y tế để đáp ứng được nhiệm vụ của Bộ Y tế giao. Giai đoạn này, khối lượng công tác đầu tư xây dựng của Bộ Y tế đang rất lớn, yêu cầu lực lượng cán bộ thực hiện quản lý dự án có chuyên môn và kinh nghiệm.
- Nâng cao năng lực quản lý của Chủ đầu tư: Các đơn vị sử dụng được giao làm chủ đầu tư cần kiện toàn năng lực thực hiện dự án, thường xuyên cho cán bộ chuyên môn quản lý dự án tham dự tập huấn đào tạo, cập nhật kiến thức, quy định pháp luật mới, phối hợp với Ban QLDA chuyên ngành, Ban QLDA khu vực, với nhà đầu tư cùng triển khai dự án.
Bên cạnh đó, tại Hội nghị đã tổ chức trao khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý, thực hiện đầu tư xây dựng và thiết bị y tế./.